Fraud Blocker

Hướng dẫn viết IELTS Writing task 1 chi tiết từng dạng bài

  • 2470 lượt xem
  • 17/07/2022

Viết IELTS Writing task 1 sẽ không quá khó nếu bạn nắm vững cấu trúc bài làm và những yêu cầu cần thiết. Chính vì vậy, trong bài viết hướng dẫn viết IELTS Writing task 1 này, KTDC sẽ cung cấp cho bạn kiến thức có hệ thống với đầy đủ thông tin bạn có thể dùng để luyện tập.

Thành thạo được những kiến thức dưới đây là bạn đã có thể nắm chắc 50% thành công trong task 1, chỉ cần dành thêm thời gian luyện tập, thực hành thường xuyên, bạn sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu IELTS mong muốn. Cuối bài viết có liên kết đến những bài hướng dẫn viết từng dạng bài trong Writing task 1, đừng quên bookmark lại đường link để sử dụng về sau này nhé!

1. Những thông tin cần biết

IELTS Writing Task 1 yêu cầu thí sinh viết bài báo cáo (report) ít nhất 150 từ để mô tả và nhận xét về một biểu đồ, bảng số liệu, bản đồ hoặc quy trình. Các thông tin sẽ được cung cấp sẵn trong đề bài, nhiệm vụ của thí sinh là mô tả đặc điểm của chúng và đưa ra những nhận xét, so sánh liên quan.

Thời lượng cho phần thi IELTS Writing Task 1 là 20 phút (chiếm 1/3 số điểm trong toàn phần thi Writing).

Cấu trúc của bài Writing task 1 gồm 4 phần:

Đoạn 1: Introduction
(Giới thiệu)
1 câu
Đoạn 2: Overview
(Tổng quan các nét chính)
1-2 câu
Đoạn 3: Suporting 1
(Chi tiết đặc điểm 1)
2-3 câu
Đoạn 4: Supporting 2
(Chi tiết đặc điểm 2)
2-3 câu

Các dạng bài IELTS Writing Task 1 gồm có:

  • Line Graph (Biểu đồ đường),
  • Bar Chart (Biểu đồ cột),
  • Pie Chart (Biểu đồ tròn),
  • Table (Bảng số liệu),
  • Mixed Charts (Biểu đồ kết hợp),
  • Process (Quy trình),
  • Maps (Bản đồ).

2. 5 bước thực chiến viết IELTS Writing Task 1

Nhìn chung, dù ở dạng đề nào, bài thi task 1 đều có cùng 1 format tương tự nhau. Vì vậy, để có một bài thi Writing Task 1 tốt, thí sinh nên thực hiện 5 bước sau đây:

BƯỚC 1: Marking Criteria – Hiểu rõ các tiêu chí chấm IELTS Writing task 1

Có 4 tiêu chí chấm điểm cho bài IELTS Writing Task 1. Khi chấm bài, giám khảo sẽ phân tích từng tiêu chí trong bài viết của thí sinh để đánh giá và chấm điểm. Mỗi tiêu chí đều có giá trị tương đương nhau, đều chiếm 25% số điểm của bài.

– Task Achievement:

Là tiêu chí đánh giá khả năng trả lời đúng và đủ các yêu cầu của đề bài. Để có thể hoàn thành tiêu  chí này, bạn cần giải quyết tất cả các y đề bài yêu cầu và phải viết thật rõ ràng, chặt chẽ.

Sau đây là 4 lưu ý để có thể đạt band điểm cao cho tiêu chí này:

  • Chỉ ra được đặc điểm chính quan trọng của biểu đồ/ bản đồ/ quy trình.
  • Viết phần tổng quan (overview) thể hiện được một cách rõ ràng đặc điểm chính đó.
  • Bổ trợ những ý chính bằng các số liệu, thông tin chi tiết, chính xác.
  • Viết tối thiểu 150 từ.

– Coherence & Cohesion:

Là tiêu chí đánh giá sự mạch lạc và tính gắn kết giữa các câu và đoạn. Trong đó:

Coherence: có thể được hiểu là cách bạn kết nối các thông tin lại với nhau để hình thành các ý trong bài và giúp người đọc dễ hiểu. Tiêu chí này được đánh giá ở cấp độ từng đoạn văn. Tức là, bạn cần viết đoạn văn có tính logic, rõ ràng ý chính của đoạn đó và ý chính đó phải dễ hiểu.

Để đạt điểm cao trong tiêu chí Coherence bạn nên:

  • Tách các ý chính của bài thành những đoạn văn riêng biệt (đừng viết liền 1 mạch cả bài trong 1 đoạn văn).
  • Viết phần giới thiệu bằng cách paraphrase đề bài ở đoạn văn đầu tiên.
  • Thể hiện rõ đoạn nào trong bài là phần tổng quan của bài viết (overview).
  • Sau đó, diễn giải, phân tích ý của câu overview bằng 2 đoạn văn khác nhau.
  • Mỗi đoạn văn diễn giải phải đề cập một nội dung rõ ràng và được dẫn chứng qua thông tin chi tiết.

Cohesion: có thể được hiểu là khả năng kết nối ý trong từng câu và đoạn văn.

Để đạt điểm cao trong tiêu chí Cohesion bạn nên:

  • Sử dụng đa dạng vốn từ nối trong câu (Linking words). Cần lưu ý dùng đúng lúc để câu văn được tự nhiên.
  • Bạn nên hiểu rõ nghĩa của các từ nối mình dùng để có thể sử dụng một cách chính xác. Đừng lạm dụng từ nối khi không thực sự cần thiết.

– Lexical Resource:

Các từ vựng sử dụng trong bài viết phải phù hợp và chuẩn xác. Bài viết cần được viết bằng ngôn ngữ đa dạng nhưng tự nhiên và linh hoạt.

Để đạt được điểm cao trong tiêu chí này, bạn nên:

  • Khi viết lại câu hỏi (Paraphrase), cần dùng từ ngữ, ngữ pháp một cách chuẩn xác.
  • Đa dạng cách dùng từ bằng cách sử dụng từ đồng nghĩa.
  • Hạn chế lỗi chính tả.
  • Sử dụng đúng các từ vựng dùng mô tả các xu hướng của biểu đồ, so sánh, giai đoạn, sự thay đổi,…. Trong bài viết  hướng dẫn chi tiết mỗi dạng bài task 1, KTDC sẽ giới thiệu cho bạn cách sử dụng những từ này một cách phù hợp.

– Grammatical Range & Accuracy:

Là tiêu chí thể hiện khả năng viết câu chuẩn xác và sử dụng đa dạng các cấu trúc ngữ pháp.

Để đạt được điểm cao trong tiêu chí này, bạn nên:

  • Hạn chế tối đa mắc lỗi ngữ pháp trong bài viết.
  • Sử dụng các thì phù hợp.
  • Sử dụng các cấu trúc ngữ pháp đa dạng.
  • Kết hợp sử dụng hài hòa cả những điểm ngữ pháp đơn giản và phức tạp.
  • Sử dụng dấu câu chính xác.

Đây là video thể hiện rõ việc chấm thi của giám khảo IELTS sử dụng 4 tiêu chí của bài thi IELTS. (Trong video, giám khảo chấm bài writing task 2, nhưng về cách thực hiện hoàn toàn giống với task 1).

BƯỚC 2: Paraphrase – Viết lại câu hỏi theo một cách khác

Paraphrase là viết lại câu sử dụng từ vựng và cấu trúc ngữ pháp khác nhưng vẫn không làm thay đổi nghĩa của câu. Tuy viết lại câu không quá khó nhưng đòi hỏi bạn cần một vốn từ vựng về từ đồng nghĩa và các kỹ thuật viết lại câu linh hoạt.

Chúng ta có thể xem qua ví dụ sau đây:

Question: The chart below shows the changes in three different areas of crime in Manchester city center from 2003-2012.

Paraphrased: The line graph displays alterations for burglary, car theft and robbery in the center of Manchester between 2003 and 2012.

Lưu ý: Ở câu đầu tiên của bài viết, khi paraphrase,  bạn phải luôn luôn đặt động từ ở thì hiện tại. Phần còn lại của bài viết, thì của động từ (tense) sẽ phụ thuộc vào dữ kiện của đề bài.

BƯỚC 3: Overview – Viết phần tổng quan task 1

Overview là phần quan trọng nhất trong bài thi IELTS Writing Task 1, nó định hình nội dung cho toàn bộ bài viết. Vì vậy, nếu viết không tốt phần này thì bài writing của bạn khó lòng được điểm cao. Phần overview yêu cầu thí sinh cung cấp một đoạn tổng quan về các đặc điểm chính trong biểu đồ/bản đồ, đồng thời diễn tả được các xu hướng, so sánh liên quan.

Phần lớn các bạn mới bắt đầu học IELTS đều sẽ thắc mắc: làm thế nào để biết điểm chính là điểm nào để chọn? Trả lời: Tùy vào mỗi dạng bài, mỗi loại thông tin sẽ có đặc điểm chính khác nhau tuy nhiên, bạn có thể tự xác định được điểm chính đó bằng nhận định của mình thông qua cách sau:

Hãy tự đặt yêu cầu cho bản thân chỉ được nêu ra ra 2-3 đặc điểm ngắn gọn mô tả về dữ liệu của đề bài (Biểu đồ, bản đồ, quy trình). Bạn cần giới hạn số lượng đặc điểm, nhưng đừng giới hạn khía cạnh của dữ liệu cần đánh giá. Hãy nhìn dữ liệu ở mọi khía cạnh có thể sau đó chọn ra những điểm bạn thấy nổi bật và khác biệt nhất.

Hãy xem ví dụ sau đây về cách chọn điểm chính của biểu đồ bạn sẽ dễ dàng hiểu ngay:

Nếu chọn ra 2 điểm chính của biểu đồ trên, chúng ta có thể dễ dàng chọn ra:

(1) Về tổng thể, phần trăm các nhóm tuổi đều có xu hướng tăng qua các năm (Increased in all age groups over this period).

(2) Nhóm tuổi 55-64 có tỉ lệ phần trăm cao nhất trong các nhóm. (The highest percentage in the 55-64 age group).

Khá đơn giản phải không nào? Chỉ cần tập trung vào những thông tin nổi bật là bạn đã có thể nắm hết được ý chính của biểu đồ rồi.

Lưu ý:

  • Phần tổng quan chỉ nên có từ 1-2 câu, chỉ ra 2-3 đặc điểm chính.
  • Bạn không được cho số liệu vào đoạn tổng quan này. Số liệu duy nhất có thể dùng trong phần tổng quan là thông tin về thời gian, còn các thông số: khối lượng, chiều dài, tỉ lệ phần trăm,…  đều không được.

BƯỚC 4: Supporting – Đưa ra dẫn chứng diễn giải cho phần tổng quan

Từ đoạn tổng quan ở trên, bạn cần đưa ra những dữ liệu được đề cập trong câu hỏi, mô tả chi tiết các đặc điểm đã đề cập trước đó.

Như ví dụ ở trên, chúng ta đã nêu ra 2 đặc điểm của biểu đồ, thì trong phần supporting, bạn cần chia ra 2 đoạn văn, mỗi đoạn trình bày chi tiết về từng đặc điểm đó.

BƯỚC 5: Proofreading – Kiểm tra lại toàn bộ bài viết

Điều này là rất quan trọng trong bất cứ bài thi nào, bạn cần dành ra 3 – 4 phút cuối để kiểm tra lại toàn bộ bài làm của mình xem có sai sót gì hay cần thêm những ý tưởng nào hay không. Hãy lập một checklist những điểm cần dò lại trước khi nộp bài:

⊗ Chính tả và dấu câu.

⊗ Cách dùng thì (Tense), đặc biệt là cách chia động từ.

⊗ Kiểm tra việc sử dụng số liệu có chính xác chưa.

⊗ Kiểm tra từ vựng học thuật, có cần thay thế bằng từ đồng nghĩa hay không?

⊗ Đếm số lượng từ đã hơn 150 chưa?

3. Những lỗi thường gặp khi viết IELTS Writing Task 1

Tiếp theo trong phần hướng dẫn viết IELTS Writing Task 1, KTDC sẽ chỉ ra 5 lỗi sai phổ biến khiến các bạn đánh mất điểm đáng tiếc trong bài viết của mình. Đừng quên áp dụng ngay những cách khắc phục được giới thiệu bên dưới nha.

Lỗi 1: Overview (tổng quan) không rõ ràng

Đoạn overview phải thể hiện cho người đọc biết những điều quan trọng nhất về biểu đồ, bảng số liệu, … đã cho.

Lỗi 2: Cố gắng đưa mọi thứ vào bài viết

Theo như đề các dạng bài IELTS Writing Task 1 yêu cầu đều là “Summarise the information by selecting and reporting the main features…” (Tóm tắt thông tin bằng cách chọn và báo cáo các tính năng chính…). Điều này có nghĩa là bạn chỉ nên đề cập đến những đặc điểm chính trong biểu đồ, bảng số liệu,…

Rất nhiều thí sinh cố gắng đưa nhiều thông tin vào bài làm của mình, việc này thường làm cho bài luận của bạn dễ bị lan man và chạy quá thời gian quy định.

Lỗi 3: Làm phức tạp hóa câu hỏi IELTS Writing

Vì thời lượng chỉ có 20 phút nên bạn chỉ cần viết đúng và đủ, vì thực ra các yêu cầu rất đơn giản, không yêu cầu những thứ “cao siêu”  như nhiều bạn từng nghĩ. Nhìn chung, trong các biểu đồ, bảng số liệu,… được cho, bạn chỉ cần nêu 3 xu hướng chính của các đối tượng là tăng, giảm và ổn định là bạn đã làm đúng yêu cầu của đề.

Lỗi 4: Sử dụng ngôn ngữ không chính xác

Sai lầm thường gặp mà các thí sinh mắc phải trong IELTS Writing Task 1 là cố gắng sử dụng các điểm ngữ pháp hoặc từ vựng mà mình không chắc chắn. Nếu không muốn bị mất điểm, ngữ pháp và từ vựng trong bài phải thật chuẩn xác nhé.

Lỗi 5: Viết kết luận cho task 1

Đây là lỗi thường gặp nhất đối với những bạn mới bắt đầu học IELTS. Trong Writing task 1, bạn tuyệt đối không được viết kết luận.

4. Hướng dẫn chi tiết cách viết từng dạng bài IELTS Writing task 1

Vậy là bạn đã nắm được những kiến thức nền tảng cho phần writing task 1. Tiếp theo sẽ là những hướng dẫn viết IELTS Writing task 1 chi tiết cho từng dạng bài:

– Hướng dẫn viết Line Graph (biểu đồ đường)

– Hướng dẫn viết Bar Chart (biểu đồ cột)

– Hướng dẫn viết Pie Chart (biểu đồ tròn)

– Hướng dẫn viết Table (bảng số liệu)

– Hướng dẫn viết Mixed Charts (biểu đồ kết hợp)

– Hướng dẫn viết Process (quy trình)

– Hướng dẫn viết Maps (bản đồ)

Hy vọng bài hướng đã cung cấp đầy đủ thông tin giúp bạn tiến đến gần hơn mục tiêu IELTS của mình. Chúc các bạn ôn thi thật tốt và sớm đạt được mục tiêu của mình!

KTDC IELTS Team