“Phim cuốn quá nên lo xem chứ không lo học”, bạn có gặp phải tình trạng này mỗi khi xem phim với mục đích nâng cao tiếng Anh hay luyện IELTS không?
Khi ‘lỡ’ tìm được một phim quá hay thì bạn sẽ rất dễ tập trung vào diễn tiến tiếp theo của phim, hơn là học tiếng Anh. Sẽ thật tốt khi bạn ghi chép từ vựng và ngữ cảnh được sử dụng, cách phát âm, cũng như học cả “họ hàng” của từ đó (word family) khi xem phim. Nhưng mấy ai có thể dừng giữa chừng một bộ phim gây cấn.
Cho nên có một câu đùa rằng “Để có thể vừa xem phim vừa luyện IELTS thì nên chọn những bộ phim dở!”. Hay điều này được ngầm hiểu là cách học tiếng Anh qua phim là không hiệu quả.
Tuy nhiên, dường như bạn đã quá tập trung vào bề nổi mà bỏ qua những lợi ích “vô hình” của phim ảnh cho quá trình học tiếng Anh. Và có lẽ bạn chưa áp dụng đúng cách để khai thác triệt để phương pháp học thú vị này. Cùng KTDC tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Xem thêm:
Giống như hồi nhỏ mình học tiếng Việt, chúng ta bắt đầu nghe người lớn nói chuyện rồi bập bẹ bắt chước nói theo. Dần dần, các từ vựng và phát âm được não bộ học một cách tự nhiên. Chính vì thế việc tạo ra một môi trường hay không gian tiếng Anh là vô cùng quan trọng để có thể trở nên thuần thục ngôn ngữ này.
Trong lúc xem phim, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều nét văn hóa và lối tư duy mới mẻ của phương Tây một cách rất tự nhiên. Từ đó, bạn sẽ đa dạng hóa được kiến thức với thế giới quan rộng mở để học hỏi và phát triển bản thân tốt hơn.
Tiếng Anh có rất nhiều từ cùng trường nghĩa nhưng lại có sắc thái khác nhau tùy trường hợp. Khi xem phim, việc học được từ vựng và ngữ pháp mới là điều chắc chắn, nhưng yếu tố khiến phương pháp học tiếng Anh qua phim đặc biệt chính là bạn sẽ học với ngữ cảnh.
Phim ảnh thường tái hiện cuộc sống, trong đó sẽ có không ít đoạn hội thoại hoặc độc thoại. Từ đó, các từ vựng và ngữ pháp mới học sẽ được bạn ghi nhớ kèm với tình huống được sử dụng trong phim.
Để đạt điểm cao trong phần thi IELTS LISTENING, bí quyết không phải là abracadabra mà là nghe nhiều thật nhiều để làm quen với giọng điệu và cách phát âm của người bản xứ. Vì vậy mà việc xem phim tiếng Anh là cách đơn giản để vừa giải trí vừa tự luyện kỹ năng NGHE hiệu quả.
Khi xem càng nhiều phim, kỹ năng SPEAKING của bạn cũng sẽ được hưởng lợi. Trước khi có thể nói một ngôn ngữ, bạn phải biết ngôn ngữ đó được phát âm như thế nào trước thì mới bắt chước được. Nên việc luyện LISTENING qua phim ảnh sẽ cải thiện phát âm và giúp bạn thu thập những từ vựng xịn và cập nhật để hỗ trợ phần thi SPEAKING IELTS của bạn tốt hơn.
“Như vậy thì chỉ cần xem phim nói tiếng Anh là đang luyện IELTS rồi phải không?”. Điều này đúng nhưng sẽ mất kha khá thời gian để nhìn thấy sự tiến bộ nếu chúng ta áp dụng theo kiểu tự nhiên như thế này. Vì thế, chúng ta cần chủ động hơn với một số điều chỉnh nhỏ nhưng “có võ” sau đây để đẩy nhanh tốc độ cải thiện các kỹ năng tiếng Anh khi xem phim.
Phim bạn chọn để vừa xem vừa học cần phải đáp ứng hay yếu tố quan trọng: có yếu tố khiến bạn hứng thú và vừa sức với khả năng tiếng Anh của bạn.
Chỉ khi bạn yêu thích chủ đề, thể loại, hoặc yếu tố nào đó khác như diễn viên thì bạn mới thể xem hết phim, và song song đó học tiếng Anh từ phim được. Đừng cố ép mình xem một bộ phim được mọi người đánh giá hay. Các nền tảng xem phim trực tuyến hiện tại đều có phân loại rõ ràng và phần nội dung giới thiệu phim để bạn dễ lựa chọn.
Yếu tố tiếp theo chính là sự tương ứng của từ vựng và phát âm được dùng trong phim với trình độ tiếng Anh hiện tại của bạn. Ví dụ, một người mới bắt đầu học tiếng Anh thì sẽ rất khó để vừa xem vừa học những bộ phim khoa học giả tưởng có lượng từ chuyên môn nhiều và phát âm quá nhanh. Trong trường hợp tiếng Anh bạn đã đủ tốt và muốn phát triển hơn nhưng thể loại phim bạn lại chú trọng nhiều về hình ảnh hơn là lời thoại thì sẽ khó để bạn luyện LISTENING và học thêm từ vựng mới.
Đối với các bạn mới bắt đầu, các phim có nội dung xoay quanh cuộc sống đời thường có thể là một lựa chọn tốt để làm quen với cách phát âm, cách dùng từ trong ngữ cảnh. Các phim đạt Oscars hoặc có điểm IMDB (một trang web chấm điểm phim uy tín trên toàn thế giới) mang tính nghệ thuật cao nên ngôn từ trong phim thường có nhiều ẩn ý và được chọn lọc kỹ lưỡng bởi biên kịch và đạo diễn, nên có thể giúp bạn đa dạng và nâng cao vốn từ của mình.
Thời lượng một bộ phim trung bình khoảng một tiếng 30 phút. Để vừa xem vừa học, thời gian có thể kéo dài hơn ba tiếng. Chưa kể lượng từ vựng và ngữ pháp được thu thập từ bộ phim đó dễ khiến bạn choáng ngợp, nản chí hoặc “bội thực” nếu học dồn (cramming).
Cho nên bạn cần chia nhỏ mục tiêu để đảm bảo tính hiệu quả đồng thời không làm mất vui khi xem phim. Các bạn có thể tham khảo các cách sau:
Bạn có thể áp dụng cách này cho những phim đã xem qua một lần, vì khi đã biết trước diễn biến của phim thì bạn sẽ dễ tạm dừng phim để ghi chép từ mới, ngữ pháp, v.v. muốn học từ phim.
Xem các mini-series với thời lượng mỗi tập phim ngắn (khoảng 30 phút) cũng là một gợi ý nữa để bạn không phải đắn đo hoặc cố kiềm chế mỗi khi bấm ngừng phim. Ngoài ra, bạn có thể chọn các phim có chủ đề nhẹ nhàng thay cho thể loại có tình tiết gây cấn vì bạn không bị FOMO bởi diễn biến tiếp theo.
Thật ra không dễ để dừng phim giữa chừng, nên bạn có thể tham khảo thêm một cách xem trọn vẹn phim và ghi chép nhanh những từ vựng thú vị, mẫu ngữ pháp mới từ phim. Sau đó, hãy dành khoảng một đến hai tiếng tra cứu và hệ thống lại các kiến thức đó trong tập, notes trên điện thoại, Docs, Sheets, v.v. Bước tiếp theo là lên lịch trình cụ thể với lượng kiến thức được chia nhỏ cho mỗi lần học nhé!
Một sai lầm phổ biến khi nhiều bạn nghĩ để không nên xem phụ đề khi học tiếng Anh qua phim. Tuy nhiên, trong thực tế phụ đề (tiếng Anh hoặc tiếng Việt) có thể ngăn bạn bỏ cuộc giữa chừng đấy.
Phương pháp học tiếng Anh qua phim chỉ hiệu quả khi bạn có hứng thú theo dõi câu chuyện đến cùng. Trong quá trình đó, bạn có thể nâng cao khả năng LISTENING, phát âm, vốn từ vựng, ngữ pháp, v.v. để phát triển kỹ năng Nói và Viết. Nhưng nếu xem phim mà bạn không hiểu phim đang nói gì thì liệu bạn có thể học hiệu quả được không?
Cho nên, đừng ngại bật phụ đề để nắm nội dung phim tốt hơn, từ đó có thể vừa thưởng thức vừa học tiếng Anh nhiều hơn. Bạn cũng có thể sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ như google dịch trên iOS hoặc Android để tra cứu nhanh từ hoặc cụm từ bạn chưa biết trong phim.
Nguồn: Why do we need more subtitles? – Vox
Sau khi xem xong, bạn có thể đào sâu tìm hiểu thêm về bộ phim đó, và nâng cao thêm kỹ năng tiếng Anh qua việc đọc hoặc xem review phân tích phim. Bạn sẽ có cảm giác được đồng cảm khi tìm thấy người có cùng cảm nhận hoặc mang đến những góc nhìn và phát hiện thú vị khác. Nhờ đó, kỹ năng READING của bạn sẽ phát triển đáng kể!
Các nguồn báo uy tín để bạn tìm đọc các bài viết hay về phim là The Guardian, The New Yorker, Vox, Vulture, The New York Times,v.v. Ngoài ra, bạn có thể xem review phim (cảm nhận và phân tích chứ không phải tóm tắt phim nhé) ở các kênh nổi tiếng như Nerdwriter, Thomas Flight, Behind the Curtain,v.v.
Sau khi hoàn thành hoặc trong lúc học tiếng Anh qua phim, bạn có thể luyện nói hoặc viết về bộ phim đó; giới thiệu phim cho bạn bè, thảo luận về bộ phim với những người bạn đã xem hoặc yêu thích điện ảnh, viết bài chia sẻ cảm nhận trên trang blog cá nhân,v.v. Cách làm này giúp bạn thực hành sử dụng từ vựng, ngữ pháp mới học vào thực tế, nên sẽ giúp bạn ghi nhớ lâu hơn. Và bạn sẽ thấy hai kỹ năng SPEAKING và WRITING của mình tiến bộ lên trông thấy!
Đa dạng hóa phương pháp học sẽ tạo thêm nhiều hứng khởi và giúp quá trình luyện IELTS thú vị và hiệu quả hơn. Vì thế, KTDC hy vọng 5 bí kíp luyện IELTS qua phim sẽ giúp bạn vừa xem phim hay vừa mở rộng vốn từ, ghi nhớ ngữ cảnh được sử dụng, và nâng cao cả 4 kỹ năng trong tiếng Anh – Listening, Speaking, Reading, Writing.
Ngoài ra, bạn còn có tips nào khác để vừa xem phim vừa luyện tiếng Anh hiệu quả không? Chia sẻ với KTDC những trải nghiệm của bạn với phương pháp này nhé!